12/01/2024
Gốm sứ, với vẻ đẹp tinh tế và độ bền cao, từ lâu đã là một vật dụng cũng như đồ trang trí tinh xảo và đẹp mắt trong không gian sống của nhiều gia đình. Tuy nhiên, để giữ cho những sản phẩm này luôn được bền đẹp như mới, chúng ta cần biết những bí quyết để bảo quản và vệ sinh sản phẩm đúng cách. Hãy để Keramor chia sẻ những mẹo hay cũng như những lỗi thường gặp khi bảo quản đồ gốm trong gia đình nhé !
1. Tại sao phải bảo quản gốm sứ đúng cách?
- Bảo quản đúng cách sẽ giúp gốm sứ được bền màu, tránh nứt vỡ trong quá trình sử dụng. Từ đó, kéo dài được tuổi thọ sản phẩm.
- Với những khách hàng mua sản phẩm của chúng tôi để trang trí cho không gian sống, việc gốm sứ được bảo quản tốt sẽ giúp sản phẩm luôn sáng bóng và nhìn như mới, giúp tô điểm cho không gian sống.
- Bảo quản đúng cách giúp loại bỏ vi khuẩn, đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi sử dụng sản phẩm cho những bữa cơm gia đình.
2. Những lỗi thường gặp khi bảo quản gốm sứ
Cọ rửa sản phẩm quá mạnh: Cọ rửa mạnh hoặc sử dụng các dụng cụ vệ sinh như bùi nhùi kim loại thì có thể làm xước lớp men. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng khăn mềm ngâm qua dung dịch rửa chén được pha loãng để lau nhẹ nhàng bề mặt gốm sứ.
Đặt đồ gốm sứ ở nơi có nguồn nhiệt cao: Đồ gốm sứ cao cấp hay thủ công dù được nung ở nhiệt độ cao, vẫn là vật liệu dễ vỡ và có thể bị hư hại do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến các thành phần cấu tạo nên gốm sứ giãn nở không đồng đều, dẫn đến hiện tượng nứt, rạn hoặc thậm chí vỡ hoàn toàn. Lớp men phủ trên bề mặt gốm sứ cũng có sự giãn nở khác so với phần thân gốm. Nguy cơ nứt vỡ càng lớn khi đồ gốm sứ có độ ẩm cao hoặc quy trình sản xuất không đảm bảo chất lượng
Sử dụng chất tẩy rửa quá mạnh: Sử dụng chất tẩy rửa không phù hợp là một sai lầm phổ biến có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khi làm sạch đồ gốm. Các chất tẩy rửa mạnh có thể bào mòn lớp men bóng, làm đồ gốm sứ mất đi vẻ đẹp ban đầu và cũng dễ nứt vỡ hơn. Hơn nữa, hóa chất độc hại trong một số chất tẩy rửa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là dùng để tẩy rửa tô chén ăn cơm bằng gốm sứ.
Đặt đồ gốm sứ trong môi trường có độ ẩm cao: Đồ gốm sứ vốn được ưa chuộng bởi vẻ đẹp sang trọng và độ bền cao. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, việc đặt đồ gốm sứ ở nơi có độ ẩm cao có thể dẫn đến nguy cơ hình thành nấm mốc, ảnh hưởng đến cả thẩm mỹ và chất lượng. Độ ẩm cao là môi trường lý tưởng phát triển nấm mốc trên đồ gốm. Nấm mốc thường xuất hiện dưới dạng những đốm đen, xanh hoặc xám trên bề mặt đồ gốm sứ.
Đồ gốm sứ thường xuyên tiếp xúc ánh nắng mặt trời: Ánh sáng mặt trời bao gồm các tia UV có khả năng phá vỡ cấu trúc phân tử của các sắc tố trong men gốm sứ và dần phai màu theo thời gian. Bên cạnh đó, nguồn nhiệt độ từ ánh sáng mặt trời cũng rất cao, có thể làm cho men gốm sứ bị nứt nẻ, tạo điều kiện cho tia UV xâm nhập và phá hủy màu men gốm dễ dàng hơn.
Không bảo quản đồ gốm trong hộp Thông thường, chúng ta sẽ không bảo quản đồ gốm sứ trong hộp hoặc túi khi không sử dụng vì nghĩ đây là món đồ trang trí. Tuy nhiên, nếu không có thời gian cọ rửa, vệ sinh đồ gốm định kỳ thì cách tốt nhất là nên bảo quản trong hộp hoặc túi để tránh bụi bẩn, trầy xước và dẫn đến hư hỏng nếu độ ẩm không khí cao. Nên sử dụng hộp hoặc túi có kích thước phù hợp với từng món đồ, lót thêm giấy mềm để hạn chế va chạm làm xước lớp men gốm.
Sử dụng lò vi sóng: Mặc dù đồ gốm sứ được nung với nhiệt độ cao nhưng không khuyến khích sử dụng trong lò vi sóng. Lò vi sóng hoạt động dựa trên nguyên lý sóng vi ba để làm nóng thức ăn. Tuy nhiên, một số loại đồ gốm sứ không được thiết kế để chịu được nhiệt độ cao và sự dao động mạnh của sóng vi ba. Khi sử dụng những loại đồ gốm sứ này trong lò vi sóng sai nhiệt độ, chúng có thể bị nứt vỡ, thậm chí phát nổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
3. Làm sao để bảo quản đúng cách?
- Gốm sứ rất dễ vỡ khi va chạm mạnh. Hãy đặt đồ gốm ở nơi cố định, hay bảo quản trong hộp có lót giấy hay khăn mềm, tránh những nơi dễ bị va đập.
- Sử dụng miếng bọt biển mềm hoặc khăn mềm để làm sạch bề mặt gốm sứ. Tránh sử dụng dụng cụ có thể làm trầy xước lớp men.
- Rửa sạch đồ gốm sứ ngay sau khi sử dụng, đặc biệt là khi đựng thực phẩm hoặc đồ uống.
- Để đồ gốm sứ khô hoàn toàn sau khi tẩy rửa, tránh cất giữ khi còn ẩm vì sẽ tạo môi trường cho nấm mốc phát triển.
- Gốm sứ cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp và độ ẩm cao.
- Không nên làm sạch đồ gốm sứ cao cấp, thủ công bằng máy rửa chén. Vì lực phun mạnh và nhiệt độ cao có thể khiến hoa văn trang trí trên đồ gốm sứ bị phai màu men gốm, bong tróc, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của sản phẩm.
- Khi vệ sinh đồ gốm sứ trong chậu, hãy lót một tấm cao su dưới đáy để tránh va đập mạnh, giảm thiểu nguy cơ đồ gốm bị vỡ nứt.
4. Một số mẹo nhỏ để làm sạch gốm sứ
- Vết bẩn cứng đầu: Dùng hỗn hợp baking soda và nước ấm để làm sạch các vết bẩn cứng đầu.
- Vết ố vàng: Dùng giấm pha loãng để làm sạch các vết ố vàng.
- Làm bóng đồ gốm: Sau khi rửa sạch, dùng một ít dầu ăn thoa lên bề mặt gốm sứ và lau lại bằng khăn mềm để làm bóng.
Lời khuyên:
- Nên chọn những loại gốm sứ có chất lượng tốt, được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên.
- Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để biết những điều cần tránh và cách bảo quản tối ưu nhất trong quá trình sử dụng.
- Vệ sinh đồ gốm thường xuyên để giữ cho chúng luôn sạch sẽ và sáng bóng.
Với những tips nhỏ trên, hy vọng bạn đã nắm được cách bảo quản và sử dụng sản phẩm gốm sứ bền đẹp theo thời gian. Hãy dành chút thời gian để chăm sóc những món đồ gốm yêu quý của mình để chúng sẽ luôn bền đẹp và tô điểm cho không gian sống cũng như những bữa cơm gia đình nhé!